Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Đoàn nghi lễ Quân đội - 76 năm vinh quang một chặng đường

  Những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử, cùng với cả nước chào đón kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn nghi lễ Quân đội tưng bừng kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của đơn vị (20/8/1945 - 20/8/2021) và vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì do Nhà nước trao tặng.
Đoàn nghi lễ thực hiện đón tiếp đại biểu tới tham dự Tuần Lễ Cấp Cao APEC

Đoàn nghi lễ thực hiện đón tiếp đại biểu tới tham dự Tuần Lễ Cấp Cao APEC

76 năm - một chặng đường gắn liền với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vững vàng trên con đường đổi mới, hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu, giao lưu quốc tế. Dường như trong mỗi sự kiện, dù nhỏ, dù lớn, dù ở cấp độ nào cũng có mặt những cán bộ, chiến sỹ của Đoàn nghi lễ Quân đội. Họ vô tình là những chứng nhân lịch sử, chứng kiến những thời khắc trọng đại của dân tộc, từ lễ Quốc khánh đầu tiên, đến lễ mừng thống nhất đất nước, lễ chuyển giao thiên niên kỷ và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đoàn nghi lễ Quân đội được thành lập ngay từ ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ trong tay Nhật ở Hà Nội giành thắng lợi. Ngày 20/8/1945, Trại bảo an binh được lệnh tập hợp để nghe đồng chí Vương Thừa Vũ, chỉ huy bộ đội Hà Nội về nói chuyện. Thay mặt chính quyền cách mạng, đồng chí Vương Thừa Vũ nói: Nhạc binh rất cần cho quân đội, cho đất nước, anh em sẵn có lòng yêu nước nếu đồng ý gia nhập hàng ngũ cách mạng, đội kèn sẽ được giữ nguyên và bắt đầu từ hôm nay mang tên “Ban âm nhạc Giải phóng quân”.

Cả 70 người của đội kèn “lính khố xanh” đều đồng ý theo cách mạng và ngày 20/8/1945 trở thành ngày thành lập của Đoàn quân nhạc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những ngày sau đó là những ngày gấp rút củng cố lại dàn nhạc và tích cực tập luyện chuẩn bị mọi mặt cho xứng với vị trí và tầm cỡ của một Đoàn quân nhạc giải phóng quân.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình. Cán bộ, chiến sỹ Ban âm nhạc Giải phóng quân trong lễ phục chỉnh tề, dàn thành năm hàng ngang trước lễ đài cử hành bài hát Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao. Tiếng kèn đồng vang lên như tiếng vó ngựa quân reo mừng ngày độc lập đầu tiên của dân tộc sau bao nhiêu năm dưới ách nô lệ của thực dân.

Niềm vui đất nước độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ban âm nhạc Giải phóng quân cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong 9 năm ấy, Ban âm nhạc chia quân đi phục vụ khắp các chiến trường, chịu đủ mọi gian khổ, hy sinh, mất mát và có lần bị giặc càn cướp đi gần hết các loại nhạc cụ. Không có nhạc cụ, cán bộ, chiến sỹ đi mượn kèn, lập xưởng sửa chữa kèn hỏng, thu gom kèn chiến lợi phẩm từ các đơn vị chiến đấu và dùng tre, nứa chế tạo các loại sáo để lập ra một trung đội sáo nứa. Sáo phối hợp với kèn, tổ chức viết hòa âm, phối khí dàn dựng nhiều chương trình hoành tráng, kết hợp nhạc dân tộc với hiện đại là một sáng tạo nghệ thuật của quân nhạc.

Sau thời kỳ phân tán đi các quân khu, các đơn vị phục vụ chiến đấu, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn quân nhạc Trung ương chính thức được quyết định tổ chức lại dưới hình thức tiểu đoàn với 450 người, chia thành 9 trung đội. Cả tiểu đoàn chỉ có 70 chiếc kèn mà phần đông anh em chiến sỹ mới chưa biết nhạc. Chỉ huy họp bàn đề ra phương án: Thiếu nhạc cụ thì mua nhạc cụ cũ về sửa chữa; thành lập cả đại đội sáo nứa; trong huấn luyện cứ một nhạc công cũ kèm 3 chiến sỹ mới.

Ngày 10/10/1954, 425 nhạc công trong quân phục chỉnh tề, kèn đồng sáng loáng, ra mắt đồng bào tại Quảng trường Ba Đình trong lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô.

Năm 1959, Bộ Quốc phòng chủ trương tập trung các đội quân nhạc địa phương lại để xây dựng thống nhất lại thành Đoàn quân nhạc QĐND Việt Nam với nhiệm vụ chính trị: Phục vụ nghi lễ cho Đảng, Nhà nước và quân đội; huấn luyện chính quy theo yêu cầu của quân đội; tham gia hoạt động văn hóa - nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Có một sự kiện mà rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đoàn vẫn còn ghi nhớ: Ngày 20/7/1964, nhân dân kỷ niệm 10 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đoàn quân nhạc đã giành thắng lợi vang dội trong trận đánh không tiếng súng tại bờ Bắc sông Bến Hải. Ngày đó, ngụy quyền Sài Gòn dự định chọn bờ Nam cầu Hiền Lương để tổ chức lễ kỷ niệm lớn với ý đồ chính trị thâm độc và phản động. Tương kế, tựu kế, ta dùng quân nhạc phá tan buổi mít tinh của chúng. Với sức mạnh của dàn nhạc hơi bố trí sát bờ sông, qua loa tăng âm, những giai điệu cách mạng hùng tráng theo gió bay đi rất xa, kéo đồng bào ta ở bờ Nam ra bờ sông Bến Hải.

Từng lớp sóng người bỏ lễ đài chạy ùa cả ra bờ sông, vẫy mũ nón chào Đoàn quân nhạc của ta. Bên bờ Bắc, đội hình quân nhạc uy nghi trong bộ lễ phục trắng, kèn đồng sáng loáng cất cao những bài ca cách mạng. Khi giai điệu hùng tráng của bài hát Giải phóng miền Nam vang lên, gần như tất cả đồng bào có mặt lúc đó đổ xô ra phía bờ sông, đứng kín bờ Nam, nghe nhạc. Quân Ngụy bị bất ngờ, không thể ngăn nổi dòng người nô nức ra bờ sông. Lễ đài mít tinh của chúng vắng tanh, trống hoác. Tiếng kèn đồng của Đoàn Quân nhạc đã làm cho cuộc mít tinh của địch thất bại thảm hại.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc bước sang trang mới, Đoàn quân nhạc cũng bước vào một chặng đường mới, xây dựng đoàn lớn mạnh về mọi mặt và có kế hoạch đào tạo cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, mỗi đơn vị một đội quân nhạc.

Năm 1977, Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định thành lập Trường trung cấp quân nhạc giao cho Đoàn quân nhạc trực tiếp quản lý, đào tạo.

Tháng 3/1979, Trung đoàn nghi lễ quốc gia mang theo phiên hiệu 781 được thành lập, trực thuộc Quân khu Thủ đô. Trung đoàn gồm: 3 đội nhạc; Trường đào tạo nhạc công, 1 Tiểu đoàn danh dự (được điều chuyển từ Trung đoàn 47) và một đại đội pháo lễ. Tiểu đoàn danh dự gồm 3 đại đội danh dự và tiêu binh (đại diện các khối Hải, Lục, Không quân theo nghi lễ).

Từ năm 1986 - 1990, đơn vị đã tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện chuyên môn âm nhạc, hoàn thiện hệ thống sách giáo khoa cho Trường trung cấp âm nhạc, dàn dựng thành công 6 chương trình hòa nhạc, trong đó có nhiều tác phẩm lớn vừa phục vụ nhân dân, vừa phục vụ các buổi giao lưu nghệ thuật với bạn bè quốc tế.

Tháng 9/1991, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định đổi tên Trung đoàn Nghi lễ 781 thành Đoàn Nghi lễ 781. Năm 1992, đáp ứng yêu cầu: “nâng cấp chất lượng nghi lễ toàn diện” phục vụ chính sách đối ngoại đa phương, của Đảng, Nhà nước; Đoàn Nghi lễ 781 còn đảm nhiệm thực hiện nghi thức tang lễ cấp Nhà nước.

Thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa, cán bộ chiến sỹ Đoàn Nghi lễ 781 lại bước vào một cuộc huấn luyện mới: Thực hiện nghi thức tang lễ cấp Nhà nước. Bởi nhiệm vụ này đòi hỏi người thực hiện không chỉ chuẩn mực, chính xác mà còn thể hiện sự kính cẩn, nghiêm trang, thể hiện lòng xót thương vô hạn đối với những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội. Chừng ấy năm Đoàn nghi lễ Quân đội đã thực hiện hàng ngàn lễ tang đưa tiễn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội về nơi an nghỉ cuối cùng tận tình, chu đáo, không một sai sót nhỏ.

Năm tháng qua đi, các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc vẫn diễn ra theo dòng chảy thời gian. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn Nghi lễ 781 cứ cần mẫn, tận tụy, trung thành phụng sự Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân. Đoàn đã lớn mạnh lên cả về tổ chức biên chế đến trình độ nghi lễ quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế toàn cầu, tiếng kèn đồng của quân nhạc Việt Nam đã sánh ngang tầm với quân nhạc quốc tế của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong Đại hội Liên hoan Quân nhạc tại Bru-nây năm 2006. Đoàn vinh dự đại diện cho các quân chủng Hải, Lục, Không quân thể hiện sức mạnh của QĐND Việt Nam đạt chuẩn mực trên mọi phương diện trước các vị khách quốc tế, góp phần tôn vinh thêm vị thế tầm vóc của dân tộc Việt Nam với bạn bè các nước gần xa.

Ngày 1/8/2008, Đoàn Nghi lễ 781 được điều chuyển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu và ngày 03/11/2008 được đổi tên thành Đoàn Nghi lễ Quân đội. Từ đây, vai trò, vị thế của Đoàn Nghi lễ Quân đội có sự chuyển biến mạnh. Vị thế mới đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ của Đoàn phải nỗ lực không ngừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn không chỉ là những người tổ chức triển khai nhiệm vụ cho đơn vị mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn phải là những người tích cực, chủ động sáng tạo, tham mưu, đề xuất một cách hiệu quả cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng, Nhà nước và Chính phủ về lĩnh vực nghi lễ quốc gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong gần 30 năm đổi mới, Đoàn nghi lễ Quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thực hiện thành công, an toàn tuyệt đối hơn 400 lần đón các nguyên thủ quốc gia, đoàn quân sự cấp cao, ngoại giao các nước sang thăm Việt Nam. Phục vụ các Hội nghị quốc tế, nguyên thủ quốc gia các nước tại Hà Nội như CCC7, ASEAN 6, AIPO 22, ASEM 5, SEAGAMES 22, PARAGAMES 2, APEC 14, Phục vụ Hội nghị cấp cao ADMM; ASEAN 17 và Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU132. Phục vụ gần 200 lần nghi lễ cấp Nhà nước, các lễ kỷ niệm, lễ hội khác, phục vụ các kỳ họp của Đảng, Quốc hội, diễu duyệt binh, đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quân, toàn quốc. Lễ đón nhận phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng hơn 400 lần các lễ kỷ niệm và đón nhận danh hiệu cao quý cho các cơ quan Trung ương và địa phương. Phục vụ trọn khâu hơn 6.500 tang lễ các cấp, trong đó nổi bật là phục vụ lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có sai sót. Dàn dựng hơn 300 tác phẩm âm nhạc lớn và hàng trăm ca khúc cách mạng, biểu diễn gần 400 buổi hòa nhạc phục vụ nhân dân. Tham gia hội diễn toàn quân, toàn quốc đạt nhiều giải thưởng lớn.

Đoàn quân nhạc huấn luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh 2/9

Đoàn quân nhạc huấn luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh 2/9

76 năm xây dựng, phục vụ, chiến đấu và trưởng thành. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, cán bộ, chiến sỹ đều ghi lại những mốc son lịch sử của Đoàn nghi lễ Quân đội bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Những cán bộ, chiến sỹ danh dự tích cực huấn luyện chuẩn mực từng động tác nghi lễ không kể nắng mưa. Những nhạc công với thâm niên từ 10 đến 30 năm gắn bó với cây kèn đồng không một ngày nghỉ tập. Từ kỹ thuật cá nhân đến hợp luyện cả dàn. Những nhạc sỹ ngày đêm tư duy sáng tác, hòa âm, phối khí… tìm ra phương pháp huấn luyện chuyên môn quân nhạc vừa mang tính hiện đại vừa giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Lao động nghệ thuật không thể đo đếm bằng định lượng mà phải được đo bằng lòng say mê âm nhạc của người nghệ sỹ, tính kỷ luật nghiêm của người chiến sỹ và sự quyết tâm vượt khó của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chặng đường dài hơn hai phần ba thế kỷ đó đủ để khẳng định được từng bước trưởng thành của một đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Và, cũng là thời gian để các đơn vị trong toàn quân, các cơ quan bạn bè quốc tế luôn nhớ đến cái tên: “Đoàn Nghi lễ Quân đội - Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

#chothuequannhac #cungcapquannhac #dichvuquannhac #doanquannhac #doanquannhacVN #doinghithuc #doinghile #doikentrong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét